Cách để "hồi sinh" chậu cây của bạn

 

Vào năm lớp 10, tôi đã từng hốt hoảng vô cùng khi làm chậu hồng môn của ông ngoại xém thì “đi đời”. Ông đi công tác một tuần và nhờ tôi đến giúp ông trông nhà cũng như tưới nước cho các chậu cây cảnh của ông. Mọi chậu cây đều xinh đẹp và xanh tươi, trừ cây hồng môn ngày càng rũ xuống. Tới ngày ông trở về, mặc cho mọi nỗ lực tưới tắm của tôi thì cây hồng môn vẫn khô queo và ủ rũ thảm thương. Hóa ra vấn đề không phải ở việc tôi tưới nước không đủ, mà là do tôi đã bỏ quên chậu hồng môn ở một góc đón nắng gay gắt trong phòng (lại còn là mùa hè nữa chứ!). Cây hồng môn đã sống lại nhanh chóng khi ông đổi vị trí chậu vào nơi râm mát hơn và cho cây thêm một chút dinh dưỡng.

Vậy là “hồi sinh” một chậu cây là điều hoàn toàn có thể, chỉ cần bạn tìm ra vấn đề đúng thời điểm và không bỏ cuộc!

Kiểm tra phần rễ trước tiên

Một cách nhanh chóng để biết rằng có thể “cứu” cây của bạn hay không đó là kiểm tra phần rễ cây. Rễ có sáng màu, chắc và khỏe không? Hay rễ đã sậm màu lại, mềm oặt và bị rữa? Nếu tất cả phần rễ đã hỏng, bạn sẽ phải nói lời tạm biệt chậu cây. Vậy nhưng nếu phần rễ khỏe mạnh vẫn còn đủ nhiều, bạn hoàn toàn có thể làm cây tươi tốt trở lại bằng cách loại bỏ phần rễ hỏng, thay đất và đặt cây vào chậu mới. Sau đó bạn hãy loại bỏ phần cành và lá đã khô héo, điều này sẽ giúp cây tập trung vào việc “chữa lành” những bộ phận còn lại.



Các bước kiểm tra phần rễ:

Bạn có thể kiểm tra rễ bằng cách dùng dụng cụ và xới đất quanh phần gốc sâu xuống rễ để quan sát.

Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên lấy cây ra khỏi chậu, vì có những phần rễ mới chớm hỏng sẽ khó để phát hiện nếu bạn chỉ xới đất lên xem một cách thông thường.

Thao tác bỏ cây ra khỏi chậu một cách nhẹ nhàng, vỗ nhẹ đất quanh thành chậu. Khi làm nhớ chú ý tránh làm đứt nhiều rễ của cây. Dùng tay bóp nhẹ, phủi lớp đất quanh rễ để quan sát. Vứt bỏ đất nếu bạn thấy có dấu hiệu mốc hoặc rêu vì nó sẽ làm ô nhiễm cây nếu bạn sử dụng lại. 

Bạn có tưới nước cho cây vừa đủ không?

Trong trường hợp bạn tưới nước “quá tay”, cây sẽ có các triệu chứng như: lá rủ xuống và chuyển sang màu vàng, đất ẩm ướt, có thể thấy nấm mọc ở phần gốc. Lúc này hãy cho cây được nghỉ ngơi ở nơi có ánh sáng gián tiếp, bớt tần suất tưới nước và đảm bảo nước có thể thoát ra dễ dàng ở đáy chậu mà không tiếp tục làm ẩm thêm đất.

Khi cây bị thiếu nước, sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: cây bắt đầu héo, lá dần khô và có màu nâu ở đầu ngọn, đất cũng sẽ nứt nẻ và cứng chắc. Tất nhiên điều bạn cần làm ngay đó là tưới nước cho cây, nhưng phải tưới đúng cách. Hãy làm đất ẩm đều và sau đó để ráo trước khi tưới lại. Thao tác được gợi ý là đổ một ít nước vào giữa chậu, để nó chìm vào trong, sau đó lại đổ thêm một chút, và tiếp tục làm như vậy cho đến khi nước bão hòa trong đất.



Ánh sáng vô cùng quan trọng

Khi cây bị tiếp xúc với nguồn sáng quá mạnh, lá sẽ có dấu hiệu bạc màu và khô héo. Mặt khác, khi cây không nhận đủ ánh sáng thì cành lá sẽ trở nên khẳng khiu, duỗi ra hoặc bắt đầu có hiện tượng rụng lá.

Ngoài việc điều chỉnh lại vị trí chậu để cây đón nguồn sáng phù hợp, bạn cũng nên cắt tỉa những phần lá khô héo, rũ úa để cây tiếp tục phát triển khỏe mạnh.



Tiếp thêm dinh dưỡng cho cây

Nếu cây của bạn mãi không đơm thêm chồi, cành giòn và khẳng khiu, lá chuyển màu nâu hoặc đen, điều này có nghĩa là bạn cần thêm chất dinh dưỡng vào phân bón cho cây trồng. Các loại vitamin cho cây có thể ở dưới dạng tinh thể, chất lỏng hoặc viên nén.

Một cách khác mà bạn có thể lựa chọn nếu cây bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng đó là thay đất cho cây. Nhớ là với cách này hãy chọn dỡ cây vào một ngày mát mẻ để cây không bị “mệt” nhé.

 

Loại bỏ sâu bọ càng sớm càng tốt

Dấu hiệu của cây bị sâu bọ làm hại: trên tán lá bỗng xuất hiện một đốm nâu, một vết nứt hoặc những lỗ thủng ở giữa lá. Bước đầu tiên để chống lại sâu bệnh là phun nước xà phòng cho cây. Xà phòng rửa bát đĩa loại nào cũng được, và chỉ cần dùng một ít là đủ. Nếu cách đó không hiệu quả trong vòng vài tuần, bạn có thể xem xét sử dụng biện pháp mạnh hơn như thuốc trừ sâu.

 

Trên đây là những cách thức đơn giản, hiệu quả để bạn có thể giúp chậu cây của mình được “hồi sinh” khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Hãy nhớ chăm sóc và đừng bỏ quên chậu cây của mình quá lâu bạn nhé!

P/s: Trong lần đi công tác tiếp theo của ông, tôi đã khá tự tin xoay sở với các chậu cây trong nhà. Nhưng một lần nữa, cây hồng môn lại ủ rũ một cách khó hiểu. Dù tôi đã tìm chỗ có ánh sáng dịu vừa phải, tưới nước đều và nghiền vitamin B1 cho cây thì những chiếc lá cứ xìu xuống dần. Thậm chí, tôi còn phải làm một hàng rào nhỏ từ đũa để chống đỡ cho những thân cành mỏng manh.

Khi ông tôi về, trước cảnh cây hồng môn ỉu xìu, ông cũng chọn xử lý bằng những cách y hệt tôi. Vậy mà chỉ vỏn vẹn một ngày sau, cây đã đứng lên dần dần và tươi tỉnh trở lại. Có lẽ cái cây hồng môn này chỉ đơn giản là.. nhớ ông tôi chăng?


Đón về nhà một mầm xanh tại:  https://www.amliving.vn/products/pre-potted-plant